Từ trước đến nay, theo quan niệm phong kiến thì đàn bà sẽ ở nhà nuôi dạy con cái còn đàn ông thì sẽ ra ngoài mưu sinh. Thế nhưng, trong một xã hội ngày càng hiện đại, vai trò của phụ nữ và đàn ông không còn chênh lệch như thế nữa. Nhiều người phụ nữ thành đạt trong công việc, cân bằng giữa gia đình và công việc tốt. Và cũng có nhiều người đàn ông "sợ vợ". Vậy có phải người anh em "sợ vợ"? Điều đó là tốt hay xấu?

Sợ vợ - đàn ông có nên?


Sợ vợ đang là cụm từ khá nhạy cảm với nhiều đấng mài râu. Nhưng cũng có nhiều người anh em nói chuyện hàng ngày với câu nói đùa "sợ vợ trường sinh, đội vợ lên đầu trường sinh bất lão" Vậy hỡi những người đàn ông chân chính, sợ vợ là sai?

Phân chia cách "sợ vợ"

Một bộ phận anh em thì "sợ vợ" là câu nói đùa hàng ngày. Những người anh em này không coi sợ vợ là xấu, không coi sợ vợ là nhục nhã hay hạ thấp bản lãnh người đàn ông xuống. Sợ vợ là sự tôn trọng người bạn đời, người phụ nữ của đời mình. Bởi tình yêu không chỉ yêu là đủ, mà cả hai đều phải biết tôn trọng, nhường nhịn, biết nhu biết cương thì hạnh phúc mới là mãi mãi. Chứ không phải hạnh phúc là việc người phụ nữ phải nhu mì, lúc nào cũng chăm lo chuyện con cái bếp núc. Đó không phải là hạnh phúc, đó là sự áp đặt, sự gia trưởng, và cái hạnh phúc giả tạo đó đến lúc nào đó sẽ bị đạp đổ bởi chính những con người xây dựng lên nó. Một mối quan hệ, một gia đình có một cặp vợ chồng, có bô mẹ và con cái đều tôn trọng, tin tưởng, tâm sự với nhau thì luôn luôn có hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống.

Một bộ phận anh em khác thì sợ vợ ra mặt, vợ quát là nghe, cung cúc phục vụ vợ. Những người đàn ông đó không có ý kiến gì trong gia đình cả. Mọi quyền lực đều tập trung vào tay bà vợ, từ việc nhà, việc họ hàng cho đến chuyện làm ăn. Những ông chồng như thế này mới bị coi là bạc nhược, thiếu quan điểm và không có sức mạnh để bảo vệ quan điểm cá nhân. Thế nhưng, những người này khi không có vợ thì bung lụa, nói xấu rồi kêu không sợ vợ. Khi có vợ thì ngoan ngoãn, hiền lành, vợ bảo gì nghe nấy. Người ngoài nhìn vào thì thấy rằng gia đình nay cực kỳ hạnh phúc khi vợ chồng hòa thuận, người chồng tôn trọng vợ vì luôn hỏi ý kiến. Nếu để ý kỹ thì đa phần những gia đình mà người đàn ông không có quyền hạn gì thì người chồng trong gia đình đó rất hay ngoại tình hoặc tìm đến những nơi giúp họ cảm thấy họ có quyền.


Còn một bộ phận anh em khác thì không hề có chữ sợ và cũng không hề có sự tôn trọng vợ. Đó là những người đàn ông độc đoán, gia trưởng, luôn bắt người khác phải làm theo ý kiến của mình. Mặc dù biết sẽ sai nhưng vì tính sĩ diện mà kiên quyết không thay đổi, dẫn đến những kết quả không mong muốn. Những người anh em như thế sẽ thật khó để có được một cuộc sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đè nén, chèn ép những người sống xung quanh mình rồi đến một lúc nào đó, họ sẽ vùng lên, đứng lên để đòi lại quyền lợi, dẫn đến gia đình tan vỡ, các mối quan hệ bạn bè rạn nứt.

Vậy "sợ vợ" là xấu hay tốt?

Dưới góc độ đa chiều thì "sợ vợ" là điều tất cả những người anh em nên có. Sợ vợ tức là tôn trọng, tức là yêu quý chứ người anh em không nên đánh đồng tất cẩ lại với nhau. Để rồi khi bước chân ra ngoài xã hội kia, chỉ một câu nói khích bác, chê trách hay một câu nói vu vơ mà người anh em lại thay đổi thái độ, vùng vằng giận dỗi, gia trưởng với người vợ hết mực yêu thương, tôn trọng mình. Mọi chuyện quan trọng trong gia đình thì vợ chồng nên bàn với nhau, cùng nhau đưa ra quyết định mà cả hai cảm thấy hợp lý nhất. Chẳng phải các cụ có câu "thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn" sao. 

Là người đàn ông, bạn cũng nên tự quyết định mọi thứ cho mình, đừng phụ thuộc vào vợ, đụng tý lại hỏi, có vấn đề gì cũng hỏi. Những chuyện lớn trong nhà, hãy hỏi ý kiến của nhau, còn chuyện khác, hãy thể hiện mình là trụ cột. Thế nhé người anh em, hãy biết "sợ vợ" và cũng đừng "sợ vợ".